Rivers of Babylon - Boney M




Ngày còn nhỏ, nghe bài “Rivers of Babylon” của ban nhạc Boney M thấy hay hay, cứ nhẩm nhẩm hát theo mà chẳng hiểu gì.

Thế rồi sau này đi nhiều đọc nhiều và gặp gỡ nhiều người Do thái, mới hiểu rằng, thực ra bài hát ấy bắt nguồn từ một bài thơ cổ bằng tiếng Hebrew từ hơn 2.500 năm trước, và ngày 29/7 vừa rồi, người Do thái trên khắp thế giới tổ chức lễ Tisha B’av để tưởng nhớ những biến cố lớn đã xảy ra với họ trong mấy nghìn năm lịch sử, trong đó có việc người Babylon và người La Mã đã phá huỷ hai ngôi đền thiêng của họ ở Jerusalem, đất thánh của họ. Câu chuyện liên quan đến “Rivers of Babylon” (bên các con sông của Babylon) được ghi lại trong Kinh Thánh Cựu ước, xảy ra khoảng năm 587 trước Công nguyên, khi Nebuchadnezzar II, vua của Babylon, một đế quốc rộng lớn bao trùm một phần Israel, Syria, Thổ Nhĩ Kỳ và Iraq ngày nay, bao vây Jerusalem, kinh đô của vương quốc Judah. Jerusalem bị cuối cùng bị chiếm, người dân bị giải về Babylon và đền thiêng của họ bị phá huỷ.

Sự kiện này, cũng như những sự kiện về nhà tiên tri Moses đưa người dân Israel vượt biển Đỏ để trốn sự truy đuổi của quân Ai Cập, là những nỗi đau của dân tộc Do thái và đều được Kinh Thánh ghi lại. Thánh thi 137 của Kinh Cựu ước đã ghi lại sự kiện này, và Tisha B’av chính là một ngày lễ để người Do thái muôn đời sau không bao giờ quên những biến cố đối với dân tộc họ. Thánh thi 137 chỉ là 1 trong số khoảng 150 bài thánh thi trong Kinh Cựu ước, nhắc lại những mốc thời gian và địa điểm cụ thể liên quan đến dân tộc Do thái hơn 2 nghìn năm trước. 9 vần thơ của thánh thi 137 đã mô tả lại cảnh người dân Judah bị bắt sang Babylon đang than khóc bên bờ sông Tigris và Euphrates (“rivers of Babylon”, tức là “những con sông của Babylon”, chính là 2 con sông này, hiện nằm trên lãnh thổ Iraq). Nó diễn tả nỗi tiếc nhớ Jesuralem của họ, cũng như khát vọng trả thù những kẻ áp bức.

Bài hát “Rivers of Babylon” được sáng tác cho ban nhạc reggae Jamaica “The Medolians” vào năm 1970 và sau đó được Boney M hát lại vào năm 1978, nhanh chóng trở thành bài hát nổi tiếng thời kì disco đang thống trị âm nhạc. Phần lời của bài hát được lấy từ thánh thi 137 và thánh thi 19. “By the rivers of Babylon, there we sat down/Yeah, we wept, when we remembered Zion” tạm dịch là “Bên bờ sông của đất Babylon, chúng ta ngồi xuống/Chúng ta khóc, và chúng ta tưởng nhớ Zion” (Zion là một địa danh để chỉ toàn bộ khu vực Jerusalem).

Thánh thi 137 kể về biến cố đền thiêng bị phá huỷ ấy cũng là nguồn cảm hứng cho rất nhiều tác phẩm âm nhạc khác. Bach, Dvorak và Verdi đều viết nhiều tác phẩm về sự kiện này. “Nabucco”, vở opera nổi tiếng đầu tiên của Verdi, kể lại câu chuyện về việc người Israel đã bị bắt sang Babylon như thế nào. Sau này, một số bài hát hiện đại cũng lấy lời từ Kinh thánh như “Turn!Turn!Turn” của Pete Seeger (lời ca lấy từ Sách Truyền đạo 3:1-8) hay “40” của U2 (một phần lời ca lấy từ thánh thi 40).

Trong lễ Tisha B’av, người Do thái không chỉ tưởng nhớ những đồng bào mình đã bị truy bức, giết hại và bắt bớ trong những sự kiện kể trên, mà còn nhớ đến nhiều sự kiện khác nữa, như tưởng nhớ hàng vạn người Do thái đã bị giết hại trong cuộc Thập tự chinh đầu tiên (1096), người Do thái bị trục xuất khỏi Anh, Pháp và Tây Ban Nha ở thế kỉ 13,14 và 15 cũng như những cuộc diệt chủng người Do thái trong Thế chiến II…


 Tranh minh hoạ người dân Jerusalem khóc bên bờ sông của Babylon, do Gebhard Fugel vẽ khoảng những năm 1920