NGA - Siêu lỗ khoan Kola là lỗ nhân tạo sâu nhất hành tinh do Liên bang Xô Viết tạo ra với độ sâu 12.263 m.

Lỗ khoan bị chốt chặt ở Kola vào năm 2012. Ảnh: Wikimedia

Lỗ khoan kỷ lục nằm trên bán đảo Kola ở tây bắc nước Nga, cách không xa biên giới giữa Nga và phía bắc Na Uy. Bản thân lỗ khoan thực chất bao gồm nhiều lỗ phân nhánh từ lỗ trung tâm. Trong số đó, lỗ sâu nhất mang tên SG-3 vươn sâu 12.263 m vào lòng Trái Đất. Tuy sâu như vậy, đường kính của lỗ khoan chỉ khoảng 23 cm, không rộng hơn một chiếc đĩa, theo IFL Science.

Để so sánh, chiều sâu của lỗ khoan bằng chiều cao của núi Everest và núi Phú Sĩ xếp chồng lên nhau. Nó cũng vượt xa điểm sâu nhất đại dương là rãnh Mariana ở tây Thái Bình Dương, ở độ sâu 11.034 m bên dưới mực nước biển.

Người Mỹ cũng tham gia vào cuộc đua đào hố sâu kỷ lục. Đầu thập niên 1960, Mỹ tiến hành dự án Mohole nhằm khoan xuyên qua vỏ Trái Đất để thu thập mẫu vật ở ranh giới giữa lớp vỏ và lớp phủ. Các kỹ sư định thực hiện điều này bằng cách khoan xuống đáy biển từ con tàu ở gần đảo núi lửa tại vùng biển Thái Bình Dương của Mexico. Không may, dự án thất bại và cuối cùng chấm dứt sau khi vấp phải sự phản đối của cộng đồng khoa học, sai sót trong khâu quản lý và vấn đề kinh phí.

Tại Nga, mọi việc diễn ra trôi chảy hơn. Quá trình khoan bắt đầu vào ngày 24/5/1970 và tiếp tục cho tới năm 1992, không lâu sau khi Liên bang Xô Viết sụp đổ. Biến động chính trị và thiếu kinh phí khiến dự án tham vọng này đi tới hồi kết. Theo BBC Future, hoạt động khoan dừng lại khi nhiệt độ ở đáy lỗ tăng tới 180 độ C, cao hơn nhiều so với mô hình dự đoán.

Hiện nay, khu vực khoan bị bỏ hoang, chỉ còn sót lại một tòa nhà đổ nát và đường ống bị chốt chặt trên mặt đất. Trong khi khu vực trở nên hoang tàn, năm 2008 Nga tuyên bố kế hoạch phá hủy lỗ khoan. Một số ý kiến suy đoán lỗ khoan bị bít một phần bằng bê tông.

Tuy nhiên, vào thời kỳ huy hoàng, dự án cung cấp nhiều dữ liệu khoa học mới. Đầu tiên, lỗ khoan siêu sâu Kola hé lộ thông tin vô giá về địa chất của Trái Đất qua 1,4 tỷ năm lịch sử. Đáng chú ý nhất là những khối đá sâu bão hòa nước, điều từng được cho là không thể xảy ra do chúng bị bịt dưới lớp đá không thấm nước. Các nhà nghiên cứu cũng phát hiện 14 vi sinh vật hóa thạch, cùng với nhiều mỏ vàng, đồng và nickel.

Phương Hoa (Theo IFL Science)