MỸ - Trong 25 năm cầm chiếc vé bay trọn đời AAirpass, Steve Rothstein đã bay hơn 10.000 chuyến, góp phần khiến American Airlines thua lỗ thảm hại.
Năm 1981, Steve Rothstein là người may mắn có được "kèo thơm" nhất lịch sử ngành hàng không. Ông mua vé bay trọn đời có tên AAirpass của hãng American Airlines với giá 250.000 USD (tương đương 5,8 tỷ đồng).
AAirpass cho phép hành khách bay trong khoang hạng nhất đến bất kỳ nơi đâu trên thế giới, vào bất kỳ lúc nào cho đến cuối đời. Và chỉ với phụ phí 150.000 USD, hành khách sở hữu AAirpass sẽ có thể đưa thêm bất kỳ ai lên khoang hạng nhất với mình.
Steve Rothstein, một nhân viên ngân hàng đầu tư thời bấy giờ tại Chicago, đã là một trong những hành khách may mắn của American Airlines. Do nhìn thấy tiềm năng có nhiều giá trị từ thương vụ, ông đã vay 400.000 USD trả trong 5 năm với lãi suất 12%.
Thế nhưng điều mà hãng không hề nghĩ tới là trong nhiều năm cầm chiếc vé AAirpass trọn đời, Steve Rothstein và nhóm hành khách này góp phần gây ra tổn thất lớn cho hãng.
Lịch sử tấm vé bay trọn đời AAirpass
Vào cuối những năm 1970, nhiều hãng hàng không bắt đầu hoạt động ở Bắc Mỹ, tạo ra nhiều sự cạnh tranh trong ngành. Thập niên 1980 đến với lạm phát gia tăng, giá dầu tăng vọt và điều kiện kinh tế suy kiệt thách thức nền kinh tế Mỹ.
Trong thời gian đó, American Airlines là một trong những hãng hàng không bị ảnh hưởng nặng nề. Hãng trải qua một cuộc khủng hoảng tài chính nghiêm trọng và gây ra khoản lỗ 76 triệu USD vào năm 1980, theo Historyofyesterday.
Để khắc phục tình hình, American Airlines đã đưa ra một chương trình khuyến mãi độc đáo không chỉ đảm bảo doanh số bán hàng mà còn đảm bảo lòng trung thành của khách hàng.
Robert Crandall (giám đốc điều hành năm 1981) nảy ra ý tưởng bán gói dịch vụ vé hạng nhất trọn đời, đảm bảo thu được khoản tiền lớn nhanh chóng cho American Airlines.
Ông cho rằng không ai thực sự bay nhiều như vậy để nhận được giá trị đồng tiền từ tấm vé trọn đời này.
Năm 1981, chỉ với giá 250.000 USD (tương đương 5,8 tỷ đồng), khách hàng có thể mua tấm vé AAirpass có thể đi bất kỳ đâu đến trọn đời.
Với phụ phí 150.000 USD, hành khách sở hữu AAirpass có thể đưa thêm bất kỳ ai lên khoang hạng nhất với mình.
Năm 1990, giá vé AAirpass là 600.000 USD (tương đương 14 tỷ đồng) dành cho 2 người. Năm 1993, giá cho loại vé này tăng lên 1,01 triệu USD (tương đương 23,7 tỷ đồng) và đến năm 1994, hãng dừng bán. Có khoảng 28 người đã sở hữu tấm vé bay trọn đời như vậy.
Tuy nhiên, sau đó, hãng hàng không đã nhận ra rằng họ mắc một sai lầm lớn khi bán những tấm vé đó. Hầu hết người mua đều bay nhiều hơn giá trị của tấm vé.
Năm 1994, hãng hàng không quyết định kết thúc chương trình và thu hồi tất cả các vé AAirpass còn tồn đọng.
Nhóm tài chính phân tích vào năm 2007 cho thấy, trung bình, mỗi người trong số các khách hàng đã tiêu tốn của hãng khoảng 1 triệu USD/năm cho phí và thuế. Có nghĩa là hãng hàng không đã mất gần 30 triệu USD mỗi năm do vé trọn đời.
Lùm xùm của Steve Rothstein và sự thất bại của hãng hàng không
Trong khoảng thời gian 25 năm, Steve Rothstein đã đến hơn 100 quốc gia, thực hiện hơn 10.000 chuyến bay. Ước tính tất cả các chuyến bay có giá 21.000 USD, gấp khoảng 84 lần số tiền ông trả ban đầu.
Ông được ngồi trên những chiếc ghế máy bay thoải mái nhất, tận hưởng những bữa ăn và giải trí tốt nhất, không phải xếp hàng dài ở sân bay và không bao giờ phải lo lắng về phí hủy chuyến.
Ông đã bay hàng trăm chuyến đến New York, Los Angeles (Mỹ), hay tới Ontario (Canada) chỉ để mua một chiếc bánh sandwich mà mình yêu thích.
Có khi, ông bay sang London (Anh) cả chục lần mỗi tháng. Thi thoảng, vị khách này còn hào phóng dùng vé dành cho bạn đồng hành để mời một người xa lạ ở sân bay lên khoang hạng nhất ngồi cạnh mình.
Năm 2008, Rothstein và một số người khác bị tước tấm vé AAirpass trọn đời. Ông và một số hành khách đã đâm đơn kiện và tuyên bố rằng sẽ không bao giờ dùng dịch vụ của hãng bay này nữa, theo The Guardian.
Sau các vụ kiện, nhóm của Rothstein thua kiện, không lấy lại được AAirpass. Trong khi đó, 25 hành khách khác, gồm cả tỷ phú Mark Cuba, vẫn sở hữu tấm vé còn hiệu lực.
Tuy nhiên, cuối cùng, cái kết của hãng hàng không cũng chẳng tránh khỏi hai chữ "thảm hại". Năm 2011, họ tuyên bố phá sản để tái cơ cấu công ty.
0 Nhận xét