Trang chủ > Phần cứng máy tính

Lý thuyết

  • Mục tiêu

Học viên có thể hiểu về khái niệm màn hình cảm ứng.

  • Tổng quan

Màn hình cảm ứng - touch screen là dạng màn hình thể hiện sự "nhạy cảm" và có những "phản hồi" với các thao tác tiếp xúc, tác động của ngón tay, bút trâm (stylus)... lên bề mặt màn hình. Màn hình cảm ứng có khá nhiều ưu điểm cũng như lợi thế, nhưng ưu điểm quan trọng bậc nhất là cung cấp nhiều cách thức thiết kế, thay đổi giao diện ứng dụng, thiết bị so với một nhóm các nút nhấn vật lý cố định như trước. Với màn hình cảm ứng, "nhạy cảm" đồng nghĩa với khả năng phản hồi những tác động nhận được thông qua việc hiển thị những nội dung đã lập trình sẵn hay kích hoạt một (hay nhóm) tính năng, tác vụ nào đó trên ứng dụng, thiết bị.

    Màn hình cảm ứng bị động được phân loại trên cơ sở 4 công nghệ của cảm biến cảm ứng là điện trở (resistive), điện dung (capacitive), hồng ngoại (infrared) và sóng âm thanh bề mặt (surface acoustical wave). Dĩ nhiên, mỗi công nghệ có ưu và khuyết điểm riêng. Trong lĩnh vực ĐTDĐ nói chung và smartphone nói riêng, 2 loại màn hình cảm ứng thường được sử dụng là cảm ứng điện trở và cảm ứng điện dung (nhiều người còn gọi là màn hình cảm ứng nhiệt).

    • Màn hình cảm ứng điện trở (resistive touchscreen): Là loại nhạy cảm với "áp lực" tác động lên bề mặt và có thể được điều khiển bằng bút trâm, ngón tay hay bất kỳ vật nào có đầu nhọn. Màn hình cảm ứng điện trở thường được sử dụng trong các môi trường khắc nghiệt và công cộng như khách sạn, sân bay, bệnh viện... Trong lĩnh vực ĐTDĐ và smartphone, màn hình cảm ứng điện trở được sử dụng phổ biến nhất, ví dụ như HTC Touch Diamond, Samsung SGH-i900 Omnia, Nokia N97.
    • Màn hình cảm ứng điện dung (capacitive touchscreen): Khác với màn hình cảm ứng điện trở, màn hình cảm ứng điện dung chỉ sử dụng một lớp tương tác, đó là panel kiếng được phủ kim loại và điều này trước mắt sẽ cho ánh sáng đi qua nhiều hơn (đến 90%) giúp hình ảnh hiển thị rõ ràng hơn. Lớp kim loại trên bề mặt sẽ tạo ra một lưới các tụ điện cho toàn bộ màn hình. Về nguyên lý, màn hình cảm ứng điện dung dựa trên các thuộc tính điện năng của cơ thể con người để xác định "khi nào và ở đâu" trên màn hình mà bạn tiếp xúc. Nhờ vậy, màn hình cảm ứng dạng này có thể được điều khiển bởi những "cái chạm" rất nhẹ từ ngón tay, tuy nhiên thường thì bạn không thể sử dụng được với bút trâm hay ngón tay có đeo găng. Đó chính là lý do mà nhiều người gọi màn hình dạng này là màn hình cảm ứng nhiệt.

    Nhờ sự linh hoạt trong nhận diện điểm tiếp xúc, màn hình cảm ứng điện dung cũng cho phép những tác động "2 ngón" như khả năng đa chạm trên iPhone, iPod Touch hay "kéo thả" trên nhiều dòng ĐTDĐ, smartphone hiện nay. Mẫu smartphone như T-Mobile G1 cũng là thiết bị tiêu biểu sử dụng màn hình cảm ứng điện dung. Ngoài ra, bảng điều khiển GPS, giải trí trên nhiều dòng xe hơi trung và cao cấp cũng thường trang bị màn hình cảm ứng điện dung để tăng tính thuận tiện trong sử dụng.

    • Màn hình cảm ứng hồng ngoại (infrared touchscreen): Có phần giống màn hình cảm ứng điện trở, màn hình cảm ứng hồng ngoại phát ra các tia hồng ngoại theo chiều ngang và dọc trên bề mặt màn hình để tạo ra một lưới ánh sáng. Nguyên lý hoạt động dựa trên công nghệ ngắt tia sáng. Về cơ bản, màn hình cảm ứng hồng ngoại bố trí đầu phát tia hồng ngoại ở một (hay hai) cạnh màn hình, đối diện với đầu phát là cảm biến ánh sáng hay bộ dò ánh sáng. Khi màn hình được tác động, ở vị trí bút trâm hay bất kỳ vật thể nào "cản" đường truyền của tia hồng ngoại, tín hiệu nhận được ở đầu bộ thu hay cảm biến ánh sáng sẽ bị gián đoạn. Ngay lập tức, bộ dò hay cảm biến ánh sáng sẽ tìm được tọa độ của điểm tiếp xúc trên màn hình.

    Màn hình cảm ứng hồng ngoại thường được dùng trong các ki-ốt thông tin công cộng, màn hình trong lĩnh vực y tế, sản xuất công nghiệp, máy bán hàng tự động và những nơi có điều kiện môi trường khắc nghiệt.

    • Màn hình cảm ứng sóng âm thanh bề mặt(SAW touchscreen): Là dạng màn hình cảm ứng tiên tiến nhất. Công nghệ SAW dựa trên hai bộ thu/phát sóng âm thanh (transducer) trên đồng thời trục X và trục Y của màn hình cảm ứng. Một thành phần quan trọng khác của SAW được đặt trên mặt kiếng màn hình, được gọi là bộ phản hồi (reflector). Nguyên lý hoạt động của màn hình cảm ứng sóng âm cũng tương tự màn hình cảm ứng hồng ngoại, đó là kiểm soát sự ngắt quãng tín hiệu, trong trường hợp này là sóng siêu âm.
      Công nghệ SAW được khuyến khích sử dụng trong các máy ATM, công viên, bảo tàng, các ứng dụng tài chính và ngân hàng, ki-ốt thông tin công cộng, hệ thống huấn luyện dựa trên máy tính.

    Câu hỏi

    Dựa theo nội dung của bài học, có mấy loại màn hình cảm ứng?
    A. 1
    B. 2
    C. 3
    D. 4